rong những năm gần đây, khi mà sử dụng thảo dược trong chăm sóc sức khỏe được quan tâm nhiều hơn thì cây Chè dây dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Đây là một loại thảo dược được coi như món quà quý mà núi rừng dành tặng cho những người bị đau dạ dày. Hôm nay Herb xin chia sẻ đến các bạn một vài thông tin về loài cây này nhé.
Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn.) Planch
Họ: Nho – Vitaceae
Cây Chè dây phân bố ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam,… Bạn có thể gặp Chè dây tại bìa rừng, bờ nương, rẫy ở khắp các tỉnh miền núi nước ta, từ Cao Bằng, Lạng Sơn sang Sơn La, Điện Biên, xuống Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai,…. Cây leo và bám lên các loài cây bụi và gỗ nhỏ khác. Cây mọc ở độ cao 100-1.600m so với mặt nước biển.

Bộ phận dùng của cây là phần thân và lá. Sau quá trình sơ chế, chế biến, trên lá chè xuất hiện “mốc trắng”, còn gọi là phấn trắng hay tuyết chè. Thoạt nhìn có thể nhầm lẫn là chè bị nấm mốc, hư hỏng. Nhưng không phải vậy. Đây là phần nhựa khô của lá Chè dây. Khác với nấm mốc có màu trắng đục, thổi sẽ bay, lau sẽ hết, mốc trắng ở Chè dây đặc biệt nằm dọc trên các nếp gấp hoặc gân lá, là một phần của lá chè. Theo kinh nghiệm dân gian, Chè dây càng nhiều mốc trắng càng tốt.
Người dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh thường lấy cành, lá Chè dây về đun uống thay chè, giải nhiệt. Theo Y học cổ truyền, Chè dây có vị ngọt, tính mát, mùi thơm, được dùng để trị các cơn đau, co thắt dạ dày/bao tử, làm thuốc chữa tê thấp, đau nhức xương khớp. Trong y học hiện đại, Chè dây đã được nghiên cứu và hiện đại hóa để sản xuất ra các chế phẩm trị đau dạ dày, đau hành tá tràng, đặc biệt đau dạ dày do vi khuẩn H. pylori.