Hà thủ ô đỏ là loài cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các khu rừng có núi đá vôi, độ cao tới 1.700 m, nhiệt độ trung bình năm khoảng dưới 20℃. Cây thường mọc ở đất ẩm, xốp, nhiều mùn, nhất là các loại đất dưới chân núi đá. Vì vậy điều kiện tự nhiên tại vùng Cao Nguyên Đá (Quản Bạ – Hà Giang) rất phù hợp cho cây Hà thủ ô đỏ sinh trưởng và phát triển tốt.
Danh pháp: Hà thủ ô đỏ là một loài cây có tên khoa học là Reynoutria multiflora (Thunb.) Moldenke. Ngoài ra, cây còn có một số tên khoa học đồng danh khác cũng thường được sử dụng như Polygonum multiflorum Thunb. hay Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson. Cây thuộc họ Rau răm – Polygonaceae
Ngoài tên khoa học thì Hà thủ ô cũng có các phổ thông hoặc địa phương khác như: Dạ giao đằng, Má ôn, Man năng ôn (Tày), Khua lình (Thái), Xạ ti sí (Dao), Heshouwu (Trung Quốc)
Đặc điểm thực vật: Hà thủ ô đỏ là một loại cây thảo, leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Thân mềm, nhẵn, màu xanh tía, mọc xoắn vào nhau, dài tới 5-7 m. Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ. Lá mọc so le; cuống dài khoảng 2 cm, phủ lông tơ; bẹ chìa mỏng, ngắn, có lông dài; phiến lá hình mũi tên, có gốc hình tim hẹp, đầu thuôn nhọn, mép nguyên; dài 5-8 cm, rộng 3-4 cm, 3-5 gân xuất phát từ gốc lá; hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng. Cụm hoa dạng chùy, phân nhánh, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, dài hơn lá; lá bắc ngắn; nhiều hoa nhỏ màu trắng; nhị 8, thường dính vào gốc của bao hoa. Quả bế hình ba cạnh, màu đen, nhẵn bóng. Mùa hoa của Hà thủ ô đỏ vào tháng 9 – 11; mùa quả tháng 12- tháng 02 năm sau.
Cây Hà Thủ Ô mọc trên Cao Nguyên Đá- Hà Giang
.
Điều kiện sinh thái: Hà thủ ô đỏ là loài cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các khu rừng có núi đá vôi, độ cao tới 1.700 m, nhiệt độ trung bình năm khoảng dưới 20℃. Cây thường mọc ở đất ẩm, xốp, nhiều mùn, nhất là các loại đất dưới chân núi đá. Vì vậy điều kiện tự nhiên tại vùng Cao Nguyên Đá (Quản Bạ – Hà Giang) rất phù hợp cho cây Hà thủ ô đỏ sinh trưởng và phát triển tốt.
Bộ phận sử dụng: Thường dùng lá, thân cây phơi sấy khô dùng làm trà. Rễ củ thường được thu hái vào mùa thu, rửa sạch, bỏ rễ con, thái lát, phơi sấy khô. Rễ củ cần phải chế biến trước khi dùng.
Thành phần hóa học: Thành phần chính trong rễ củ Hà thủ ô đỏ chủ yếu là nhóm Anthranoid (thuộc nhóm chức Quinones) bao gồm các hoạt chất: Emodin, Aloe-emodin, Chrysophanol, Physcion, Rhein,… Ngoài ra, trong củ Hà thủ ô đỏ còn có Tanin – thành phần tạo nên vị chát của Hà thủ ô đỏ, Stilbenes, Flavonoid, Phospholipid, Polysaccharid, Lecitin,…
Công dụng: Rễ củ Hà thủ ô đỏ – Radix Fallopiae multiflorae là một vị thuốc bổ quan trọng, có trong rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền với tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh. Uống lâu ngày làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.
Kiêng kị: Hà thủ ô đỏ có tính ôn nên khi uống sẽ có cảm giác hơi nóng trong, vì vậy khi dùng không nên kết hợp Hà thủ ô đỏ với những thực phẩm có tính nóng như: Gừng, tỏi, ớt, quế, hồ tiêu, …
Cách dùng: Ngày dùng từ 6-12 g Hà thủ ô đỏ đã chế, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.
Một số cách dùng Hà thủ ô đỏ:
– Dùng để hãm nước như pha trà. Hà thủ ô đỏ hãm với nước sôi, để 15-20 phút, có thể uống thay trà hàng ngày.
– Dùng kết hợp với các vị dược liệu sắc nước uống.
– Ngâm rượu: Hà thủ ô đỏ cùng một số dược liệu khác (Đương quy, Sinh địa,…), các vị thuốc (có thể thái vụn gói trong túi vải) cho vào vò ngâm rượu, đậy nắp kín để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1 tuần có thể dùng được.
– Tán viên hoàn: Hà thủ ô đỏ kết hợp cùng một số vị dược liệu khác (Ngưu tất, Đậu đen,…) đồ chín; đem tán bột; luyện với mật ong tạo viên hoàn.
– Hà thủ ô chế biến thành các món ăn (hầm gà, nấu cháo gà,…).