Bạn đã có cơ hội được đắm chìm trong một khung cảnh tuyệt đẹp của rừng Sau sau (hay Phong hương) vào mùa thay lá chưa?

Dù được trực tiếp cảm nhận hay chỉ là qua màn hình điện thoại đi nữa thì bức tranh thiên nhiên ấy cũng khiến ta mê mẩn không thể rời mắt. Nếu có dịp, bạn hãy ghé thăm những địa danh như hồ Bản Viết – Cao Bằng, hồ thủy điện Rào Quán – Hướng Hóa, Quảng Trị hay tại Chí Linh – Hải Dương vào mùa Thu để được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp hết sức quyến rũ khi lá cây ngả vàng rồi sang đỏ trước khi trút xuống để ngủ yên qua mùa Đông.
Nhưng, có thể bạn chưa biết đến những giá trị hữu ích khác mà Sau sau đem lại ngoài việc tô điểm cho thiên nhiên, cảnh quan. Vậy, hãy cùng Herb khám phá loài cây vô cùng thú vị này nhé!
Tên khoa học: Liquidambar formosana Hance.
Họ Tô hạp: Altingiaceae
Tên khác: Phong hương, Sâu cước, Sâu trắng, Mạy sâu (Tày), Chà phải (Mường), Mãng đen (Mông)

Mỗi khi Xuân về, cây Sau sau lại đâm chồi nảy lộc, cho thứ rau rừng đặc sản, một món rau sống đặc sắc trong mâm cơm của người dân xứ Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh). Một nắm rau Sau sau non mơn mởn, chấm với thứ nước sốt đặc trưng, ăn trong dịp lễ hội đầu xuân cùng với thịt quay béo ngậy sẽ khiến bạn phải xuýt xoa. Nếu có dịp ghé Lạng Sơn đi du xuân đầu năm thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món rau Sau sau vô cùng “cuốn” này.
Trong văn hóa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, cùng với xôi lá cẩm, xôi đen cũng là một món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp tiết Thanh minh. Và lá Sau sau là nguyên liệu quan trọng để tạo thành món xôi đen bóng, mùi thơm dịu đặc trưng ấy.
Không chỉ tạo nên những món ăn vô cùng đặc sắc, Sau sau còn là một loại thảo dược rất hữu ích trong YHCT. Lá chứa nhiều tanin, có vị chát vẫn thường được dùng cho người bị kiết lỵ, tiêu chảy, lở ngứa, mày đay. Quả được dùng chữa thấp khớp, đau lưng mỏi gối. Cây Sau sau cho một loại nhựa thơm có màu vàng nhạt tiết ra từ thân, chứa acid cinnamic có khả năng chống viêm mạnh dùng để chữa đau nhức răng, mụn nhọt, sưng lở, bị thương đau nhức hay phong thấp sưng đau.
Ngoài ra, cây Sau sau cũng được ứng dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân. Vỏ cây dùng làm hương thắp truyền thống, cho hương thơm nhẹ nhàng, trầm ấm khắp ngôi nhà. Trước đây, người ta thường nuôi sâu cước trên cây Sau sau để lấy chỉ cước khâu nón lá. Trên thế giới, Sau sau được trồng nhiều để lấy thân gỗ làm giá thể tuyệt vời cho việc trồng nấm hương. Hiện nay, kỹ thuật này cũng đã được áp dụng ở một số tỉnh nước ta như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.