Một loài cây phân bố rộng khắp trên dải đất hình chữ S Việt Nam xinh đẹp, trải qua bao sương gió vẫn đứng sừng sững, hiên ngang, chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. Và loài cây Herbland đang nhắc đến chính là cây Gạo, một biểu tượng, một loại thuốc quen thuộc, rất gần gũi với người dân Việt Nam ta.
Tên khoa học: Bombax ceiba L.
Họ: Cẩm quỳ – Malvaceae
Tháng 3, khi bạn đi đến bất cứ nơi đâu trên đất nước ta đều có thể bắt gặp những khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ của loài cây này. Dọc trên con đường hạnh phúc – QL 4C, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn những bông hoa Gạo đua nở rực rỡ cả một khoảng rừng, từ trên dốc Bắc Sum tới tận đôi bờ Nho Quế bên dưới chân con đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ. Hay trên cung đường QL6 khám phá Tây Bắc trùng điệp, khi mà hoa Ban trắng còn đang e ấp thì bên dòng sông Đà cuồn cuộn tạo nên lòng hồ thủy điện Sơn La, những đóa Gạo in bóng trên mặt nước tựa như dải lụa đỏ mềm mại, lấp lánh nắng vàng.
Không chỉ ở những cung đường chinh phục vùng cao bạn mới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Gạo. Bởi ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng có thể thả hồn mình dưới tán Gạo, nhặt những bông hoa to đẹp rụng xuống trên Bờ hồ Gươm hay tại Bảo tàng Lịch sử. Và sẽ lãng mạn hơn nữa khi bạn có thể vi vu một chuyến ngoại thành ghé thăm Chùa Thầy cổ kính ngắm bông Gạo nghiêng mình bên hồ cùng với thủy đình soi gương.
Phổ biến là vậy nhưng loài Gạo còn rất nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết. Hôm nay, Herbland sẽ chia sẻ cùng các bạn nhé.

Cây hoa Gạo ở Hòa Bình
Gạo không chỉ có một cái tên mộc mạc như mọi người vẫn hay biết gắn với sự tích cô gái nhớ thương người yêu bị giữ lại làm thần mưa mà trèo lên cây nêu cao vút ngóng trông rồi hóa thành mà còn có một cái tên vô cùng hiền hòa là Mộc Miên. Cái tên mộc mạc ấy được đặt cho loài cây này bởi quả như gỗ nhưng bên trong chứa đựng những sợi lông tơ hết sức mềm mại, mịn màng đính vào hạt để giúp phát tán đi xa hơn. Thứ lông từ quả cây Gạo cũng là một nguyên liệu tuyệt vời để tạo ra những chiếc gối bông cao cấp, êm ái lạ thường. Không chỉ vậy, bông từ quả Gạo còn có khả năng bắt lửa vô cùng bén nên từng được dùng làm nguyên liệu thuốc nổ trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.
Nhắc đến kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì không thể không nhắc đến mảnh đất Tây Nguyên anh hùng. Và nơi đây cũng rất nổi tiếng với những cây hoa Pơ lang (hoa Gạo) cao vút bên bờ Đak-krong (không phải sông Đakrông tại Quảng Trị) được biết đến thông qua bài hát Sông Dakrong mùa xuân về rất hào hùng, khí thế. Pơ lang được xem là biểu tượng của mùa xuân Tây Nguyên. Loài cây này có mặt trong những sử thi, cổ tích, huyền thoại của các dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, gắn liền với nếp sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Pơ lang đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn của người dân Tây Nguyên.
Trong đời sống sinh hoạt của người dân nhiều vùng miền, cây Gạo trở nên thân quen, như là một điểm mốc để mỗi chúng ta nhớ về mỗi khi đi xa làng quê hay đơn giản là những buổi chiều tà xong việc đồng áng, ta luôn hướng về phía gốc Gạo đầu làng, để được trở về với tổ ấm thân thương.
Gạo không chỉ mang vẻ đẹp trường tồn, Gạo còn có nhiều công dụng hữu ích. Ngoài sắc đỏ thắm xinh tươi, hoa Gạo còn có thể được chế biến thành những món ăn ngon, bổ dưỡng. Bạn có thể dùng hoa Gạo hầm với chân giò, đuôi lợn hoặc thịt xay nhồi vào bông. Không chỉ có vậy, trà từ bông hoa Gạo còn có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, bổ sung tân dịch, chống háo nước rất tốt. Là thành phần quan trọng trong món trà thảo mộc được ưa chuộng cả ở Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với các thầy lang trong các thôn bản, vỏ Gạo là thứ thảo dược không thể thiếu trong các bài thuốc bó gãy xương. Hay đơn giản chỉ cần dùng miếng vỏ Gạo cạo sạch, nướng lên và đắp vào chỗ bị trật khớp, bong gần vài lần là sẽ khỏi.
Sau khi thu hoạch phần bông mềm mịn, hạt của cây Gạo cũng được sử dụng để ép lấy dầu, là nguyên liệu cho ngành làm mỹ phẩm chăm sóc da. Phần khô dầu còn lại dùng làm thức ăn chăn nuôi, kích thích tăng tiết nhiều sữa.
“Bao giờ cho đến tháng ba. Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn” thời điểm các bông Gạo trút xuống cũng là lúc báo hiệu mùa xuân kết thúc, bắt đầu chào đón mùa hè. Và khi ấy, đầu ngọn của những cành cây Gạo bung ra từng lớp lá non xanh mát. Với người dân Việt Nam ta thường hiếm khi sử dụng, nhưng ở Thái Lan thì đây là một thứ rau ngon, bổ dưỡng thường được bày bán ở những chợ phiên miền sơn cước.
Ngoài ra, nếu bạn còn biết thêm những thông tin thú vị nào khác về cây Gạo này hãy chia sẻ với Herbland và mọi người cùng tham khảo nhé!